Thông tin cổ đông

Title

Smart thông minh hóa các dây chuyền sản xuất

Một cụm từ vừa được Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải chỉ ra trong việc triển khai nhiệm vụ sản xuất kinh doanh những tháng còn lại của năm 2018 và những năm tiếp theo là “Thông minh hóa các dây chuyền sản xuất”.

Công ty CP Vật tư - TKV tiên phong đưa vào vận hành Hệ thống cấp phát nhiên liệu tự động

(Ảnh MTS)

Cụ thể, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải nhấn mạnh, quá trình thông minh hóa các dây chuyền sản xuất kinh doanh tại các đơn vị là những bước đi cụ thể trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, Hội đồng thành viên Tập đoàn về việc tăng cường áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa trong tất cả các dây chuyền sản xuất. Việc thông minh hóa phải được mở rộng trong tất cả các lĩnh vực cụ thể như: Trong khai thác than, khoáng sản; đào lò, xây dựng mỏ; sàng tuyển, kho vận, chế biến, tiêu thụ; các dây chuyền sản xuất khoáng sản, hóa chất, điện lực; trong các lĩnh vực quản lý vật tư, máy móc, thiết bị; quản lý nhân sự, văn phòng v.v. “Lĩnh vực nào có thể áp dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ theo xu thế “smart” (thông minh) phải được nghiên cứu áp dụng. Đây vừa là mục tiêu trong việc từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhưng cũng vừa là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách để khắc phục một số dây chuyền sản xuất chính như đào lò, khai thác than đã và đang có thể thiếu nhân lực Thợ lò khi nhu cầu tiêu thụ than ngày càng nâng cao trong những năm tới, đồng thời giảm tối đa nhân lực trong các dây chuyền phụ trợ...” - Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải nói.

Trên thực tế, các dây chuyền sản xuất hoàn toàn có thể ứng dụng lắp đặt bổ sung các thiết bị thông minh. Chẳng hạn như những năm gần đây, hầu hết các đơn vị đã dần bổ sung và thay thế bằng các loại thiết bị điện có sử dụng công nghệ biến tần nhằm tiết kiệm điện năng và đảm bảo an toàn trong vận hành. Gần đây, nhiều đơn vị đã lắp đặt thiết bị cảm biến bơm nước tự động tại các trạm bơm trung tâm trong hầm lò. Khi có sự gia tăng lưu lượng nước chảy vào mỏ mà con người chưa đo đếm được, hệ thống đã tự động kích hoạt nâng công suất bơm thoát nước nhằm đảm bảo an toàn. Trước đó, các hệ thống cảnh báo khí cháy nổ tự động đã được lắp đặt tại 100% các đơn vị khai thác hầm lò. Các thiết bị khác như: Hệ thống cảm biến nhiệt; cảm biến khi băng chuyền quá tải, mắc kẹt; cảm biến an toàn hệ thống thiết bị vận tải người; hay các hệ thống giám sát hoạt động của con người và thiết bị vận tải di chuyển thông qua hệ thống định vị vệ tinh GPS; hệ thống quản lý cấp phát vật tư, nguyên, nhiên vật liệu tự động; hệ thống đếm sản phẩm trong công tác kho vận thông qua hệ thống kiểm đếm tự động v.v. đã được một số đơn vị áp dụng hiệu quả.

Tuy nhiên, qua thống kê cho thấy, các hệ thống thiết bị thông minh chưa thực sự được áp dụng rộng rãi. Có đơn vị áp dụng, có đơn vị không. Quá trình thực hiện chủ yếu mang tính tự phát, chưa bài bản. Lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo các Ban tham mưu phối hợp với các đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá và lên kế hoạch mở rộng áp dụng nhiều loại thiết bị thông minh trong các dây chuyền sản xuất. Theo đó, ngoài việc áp dụng thiết bị thông minh trong các dây chuyền sản xuất chính, việc thông minh hóa cần được áp dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực. Trong tư vấn thiết kế, các đơn vị cần tăng cường áp dụng các phần mềm dạng trí tuệ nhân tạo tự tìm các điểm công tác hợp lý cho các thiết bị cũng như tìm giải pháp hiệu quả kinh tế cho các dự án. Đặc biệt áp dụng mạnh mẽ hơn các thiết bị thông minh về công nghệ viễn thông nhằm giúp cho quá trình điều hành, tác nghiệp đạt hiệu quả cao như: Tăng cường hội nghị trực tuyến giữa các vùng, hoặc ngay cả với các nhóm làm việc; áp dụng theo dõi điều hành trực tuyến 24/24 thông qua  các thiết bị smart; các hệ thống thông tin portal của từng đơn vị có thể mở rộng đến từng tổ đội sản xuất và từng người lao động nếu cần, nhằm hạn chế thấp nhất các chi phí văn phòng cũng như đưa thông tin nhanh nhất tới người lao động v.v.

Nguồn: Vinacomin news

Like0

View 15452

Facebook chat