Shareholder information

Title

Kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2023)

           1. Dấu mốc ngày truyền thống

          Lịch sử Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng gắn liền với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác – Lên nin và con đường cứu nước vào Việt Nam của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau Hội nghị thành lập Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền - cơ quan tham mưu, chỉ đạo công tác tư tưởng của Đảng với nhiệm vụ trước mắt là tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, về Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng của Đảng; cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng. 

         Công tác tuyên truyền được Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng tiền bối trực tiếp tiến hành bằng các hình thức in ấn, xuất bản, phát hành tài liệu, sách, báo, truyền đơn, tổ chức lớp huấn luyện cán bộ… Đồng thời, các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã lập ra những bộ phận chuyên phụ trách công tác tuyên truyền như Ban Huấn luyện, Bộ Tuyên truyền…. Đặc biệt, vào ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng đã xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1/8” nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô-Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Tài liệu này khi vừa được phát hành đã gây được dư luận rất lớn trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xô-viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Từ đó, ngày 1/8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng.

         Năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (Khoá VIII) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác tư tưởng - văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.

         2. Lời dạy của Bác Hồ về công tác tuyên truyền

         Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định tuyên truyền là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng mới hùng mạnh cho cách mạng nên Người rất quan tâm đến việc làm tốt công tác tuyên truyền. Theo Người, muốn phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân thì công tác Tuyên giáo cần xem trọng tất cả các đối tượng tuyên truyền. Để có hiệu quả cao nhất công tác Tuyên giáo, tuyên truyền phải luôn đổi mới và sử dụng cách truyền đạt dễ hiểu nhất để vừa truyền tải hết nội dung vừa để người nghe, người tiếp nhận thông tin hiểu được hết, nắm bắt được hết. Để có cách truyền đạt dễ hiểu là cả quá trình rèn luyện cách nói, cách viết. Sử dụng ngôn từ gần gũi nhất và dễ hiểu nhất đối với các đối tượng cần được truyền đạt thông tin. Tránh nói hoa mỹ, nói “hay” hoặc cách viết dùng từ nhiều nghĩa, không rõ nghĩa... Việc này đòi hỏi cần đầu tư nhiều thời gian, tâm huyết để thực hiện, mà cách hay nhất là “Học ở nhân dân”, học ở “đối tượng” mình tuyên truyền.

         Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực”(4) để quần chúng hiểu đúng đường lối chính sách của Đảng, của Chính phủ, từ đó tự giác tham gia công việc cách mạng. Theo Bác:“Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Qua đó, Bác rút ra kết luận:“Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được”(6).

          Bác căn dặn cán bộ phải có tình yêu thương và nhiệt tình cách mạng. Lý tưởng cao đẹp ấy sẽ là ngọn đèn soi đường dẫn lối, nhắc nhở cán bộ trong mỗi việc làm không chỉ dừng lại ở việc biết làm tròn trách nhiệm, mà còn cần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Người nói: “Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc. Có như thế, mới tìm ra cái đúng, cái hay mà làm”. Nếu cán bộ tuyên truyền thiếu tinh thần ấy, sẽ mất đi sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng, không những không đạt được mục đích tuyên truyền mà có khi còn gây tác dụng ngược lại. Người tin tưởng nếu có tình yêu thương đồng chí, đồng bào chân thành, có nhiệt tình cách mạng, những cán bộ làm công tác tuyên truyền chắc chắn sẽ phải trăn trở suy nghĩ, tìm tòi phương pháp tuyên truyền cụ thể, thiết thực, “không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện”. Trong bài “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích và căn dặn rất tỉ mỉ: “Người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm. Chớ tưởng rằng: Đi phớt qua địa phương, diễn thuyết một hai giờ đồng hồ mà có kết quả. Đến một địa phương nào, cần phải đi thăm các cụ phụ lão, các người phụ trách, rồi đi thăm các nhà đồng bào để gây cảm tình, và để hiểu biết tình hình địa phương. Phải hoà đồng với người dân: dân ở đó sinh hoạt thế nào, ta cũng phải sinh hoạt như họ, thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Thái độ phải mềm mỏng, đối với các cụ già phải cung kính, với anh em, phải khiêm tốn, với phụ nữ, phải nghiêm trang, với nhi đồng, phải thân yêu, với cả mọi người, phải thành khẩn”. Cuối cùng, để cán bộ yên tâm công tác, không vì chủ quan nóng vội mà làm ẩu cho xong việc, Bác căn dặn: “Tuyên huấn phải làm, mà làm phải bền bỉ liên tục, làm dần dần, chứ không thể chủ quan nóng vội, muốn làm hết ngay một lúc”.

          3. Công tác tuyên giáo trong tình hình mới

          Trong giai đoạn hiện nay, công tác Tuyên giáo của Đảng cực kỳ khó khăn. Với thời đại công nghệ 4.0, mạng thông tin điện tử rất nhiều kênh khác nhau; kênh tốt nhiều, kênh xấu cũng nhiều sẽ làm “nhiễu thông tin” chính thống. Trong khi công tác Tuyên giáo và tuyên truyền tập trung phục vụ hai nhiệm vụ chính trọng tâm, thường xuyên là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cụ thể là tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để cán bộ, đảng viên, người lao động, nhân dân nắm rõ và đồng lòng cùng thực hiện. Thực trạng hiện nay và trong thời kỳ nào cũng vậy, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị… ra sức chống phá Đảng ta một cách toàn diện, trong đó có phương thức tung ra những luận điệu xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước… Một bộ phận nhân dân do thiếu thông tin dễ bị mất phương hướng, hoang mang trước những luận điệu xuyên tạc, dễ bị lợi dụng, kích động và bị lôi kéo làm những việc gây tổn thất cho kinh tế, an ninh trật tự đất nước và hình ảnh của người Việt Nam.

          Chính vì vậy, đi đôi với việc giáo dục, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, công tác Tuyên giáo phải thường xuyên nâng cao tính chiến đấu, chủ động phản bác kịp thời, sắc bén những luận điệu xuyên tạc, phủ định, vu cáo của các thế lực thù địch, phản động để giữ vững trận địa tư tưởng, đem lại niềm tin cho Nhân dân. Đặc biệt Người cũng nhấn mạnh việc làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ cho quần chúng hiểu thì tuyên truyền phải có tính chất quần chúng “không nên lúc nào cũng trích Các Mác, cũng trích Lênin, làm cho đồng bào khó hiểu. Nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được… Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ”. Nếu“nói hay mà không hiểu” thì cũng không bằng “nói dễ hiểu, thiết thực, người ta dễ hiểu và làm được”.

          Kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo là dịp để chúng ta cùng ôn lại và bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn, có ý nghĩa lịch sử của ngành Tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị, biểu thị quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

            Thu Duyên

Like0

View 11494

Facebook chat